vendredi 2 mars 2018

Tình ca Nguyễn Văn Đông - Thy Nga

LinhchienNguyenvanDong150.jpgQuý vị đang nghe bài “Chiều mưa biên giới” nhạc phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Văn Đông, qua giọng hát Hà Thanh, ca sĩ trình bày nhạc Nguyễn Văn Đông hay nhất …

Chương trình kỳ này, Thy Nga mời quý thính giả đến với người nhạc sĩ ấy và những ca khúc đậm tình nước, tình người do ông viết nên. Sau ba chục năm ẩn dật, Nguyễn Văn Đông mới lên tiếng, trả lời các câu hỏi của giới nghệ sĩ từ hải ngoại về thăm.
“Vô thường” …
Những người ái mộ nhạc Nguyễn Văn Đông chẳng quên người nhạc sĩ này đâu, nhưng tôn trọng ý ông muốn “gác kiếm” rời xa mọi sự.

Tình ca Nguyễn Văn Đông - Thy Nga (RFA) 

Vừa qua, một thính giả RFA là cựu quân nhân miền Nam đã viết đến mục “Thư tín” và yêu cầu được nghe bản “Giờ này, anh ở đâu”.
Bài hát chứa chất nỗi niềm của người binh sĩ nhớ thương về những đồng đội cùng chia gian khổ với mình khi xưa, giờ này không biết phiêu bạt nơi nào, nếu chưa yên nghỉ dưới lòng đất mẹ. Binh lính miền Nam là thành phần gánh chịu thiệt thòi nhất từ cuộc chiến đó.
Ca khúc “Giờ này, anh ở đâu” khơi lại cảm xúc, và Thy Nga tìm cách liên lạc với một người trong hoàn cảnh ấy, là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
“Tôi từ thành phố Saigon xin gởi lời chào trân trọng đến quý vị thính giả của Đài. Tôi xin cám ơn chị Thy Nga đã quan tâm đến hoàn cảnh của tôi hiện nay ở Việt Nam..
Thưa Chị, cuộc sống của tôi và gia đình tôi hiện nay được ổn định nhưng riêng về mặt sinh hoạt văn nghệ thì tôi không còn hoạt động tích cực như trước năm 1975, một phần cũng vì tuổi cao sức yếu, thiếu tiếp cận với xã hội hiện nay nên cảm xúc của mình bị khô cứng, đánh mất sự rung cảm của một thời đã qua vì vậy, tôi không còn hào hứng cho việc sáng tác như trước 1975.
Từ sau ngày đi học tập cải tạo trở về vào cuối năm 84, đầu năm 85, sức khỏe của tôi lúc đó bị suy kiệt, tinh thần và thể xác bị sụp đổ, mang nhiều thứ bịnh trong thời gian ở trại cải tạo. Và trong 10 năm cho tới 1995, tôi đi nằm điều trị ở nhiều bệnh viện trong thành phố Saigon.
Sau thời gian đó, tôi mới đi đứng được, và bỏ đi cặp nạng nhưng mà trong tình trạng sức khỏe đó thì tôi cũng chỉ có thể giúp đỡ được công việc gia đình mà thôi. Kinh tế gia đình và cuộc sống của chúng tôi là nhờ vào cửa tiệm buôn bán chạp phô do vợ tôi mở ra tại nhà.
Không tìm lại được cảm hứng để sáng tác như trước nên tôi ngừng tham gia văn nghệ, chú tâm lo việc phụ giúp cho gia đình.”
Thy Nga: Anh không sáng tác được gì nhiều nhưng chắc là cũng có vài nhạc bản ra đời sau khi đi cải tạo về?
Nguyễn Văn Đông: Tôi có viết chừng 5, 6 bài gì đó, vô thưởng vô phạt, đại khái như cái bài “Tình đầu xót xa” nhưng mà cái tên của tôi, tên Nguyễn Văn Đông, lại không được cho phép trình diễn trên đài phát thanh cũng như trên TV.
“Về mái nhà xưa” qua giọng hát Thái Thanh …
Trở ngược giòng thời gian, vào năm 1946 khi 14 tuổi, Nguyễn Văn Đông vào trường Thiếu Sinh Quân Việt Nam, nơi mà cậu có cơ hội học nhạc từ các giáo sư Pháp. Có lẽ do đó mà nét nhạc Nguyễn Văn Đông mang sắc thái là lạ, hay hay. Bắt đầu viết nhạc từ năm 16 tuổi, ông là tác giả nhiều tình ca và nhiều bản nhạc lính.

Có những người viết nhạc lính nhưng Nguyễn Văn Đông đặc biệt ở chỗ ông là sĩ quan tác chiến, các nhạc bản như “Phiên gác đêm Xuân”, “Chiều mưa biên giới”, ông viết khi nghỉ chân. … “Phiên gác đêm Xuân” Thế Sơn hát. Nhạc bản này, Nguyễn Văn Đông viết tại phiên gác ở tiền đồn chiến khu Đồng Tháp Mười vào đêm Giao thừa năm 1956.
Cùng năm ấy, cũng trong vùng Đồng Tháp, “Chiều mưa biên giới” ra đời, và nổi tiếng qua sự trình bày của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, hát hai thứ tiếng Việt và Pháp trong hợp đồng thâu thanh với hãng dĩa của Pháp, là sự việc mà đến khi đó chưa hề có.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ComposerNguyenVanDong_TNga-20061210.html/NhacsiNguyenvanDong150.jpg Tuy ra chiến trường nhưng Nguyễn Văn Đông lại rất tình cảm như ông thổ lộ trong một buổi chuyện trò với nghệ sĩ Trường Kỳ, rằng cầm súng là do nghịch cảnh chứ một con chim, ông cũng không nỡ bắn.
“Sắc hoa màu nhớ” ghi lại một mối tình học trò, Thanh Tuyền hát …
Ngoài tài sáng tác nhạc, Nguyễn Văn Đông còn hát và sử dụng được nhiều nhạc cụ như kèn, trống, mandoline và guitare Hawaiienne. Năm 57, Nguyễn Văn Đông đi tu nghiệp khóa “Chỉ huy và Tham mưu” tại Hawaii. Trên bãi biển thơ mộng, tiếng đàn Hawaiienne của chàng Trung úy tài hoa 25 tuổi đã làm say mê Gina, một thiếu nữ bản xứ lai Pháp.
Cuộc tình ấy, anh ta đành khép lại khi mãn khóa tu nghiệp, trở về nước. Thời đó, tức là cách nay nửa thế kỷ, kết hôn với người ngoại quốc là điều khó khăn lắm, anh chỉ còn biết tiếc nhớ …
Một buổi chiều Xuân năm sau đó, khi nỗi nhớ chất ngất, chàng nhạc sĩ viết nên bài “Nhớ một chiều Xuân” mời quý vị nghe qua giọng hát Lệ Thanh, ca sĩ đầu tiên trình bày bài này. Đây là âm thanh trong dĩa hát Việt Nam thâu vào khoảng thập niên 60.
“Nhớ một chiều Xuân”
Câu hát “Người yêu dấu bên bờ thành Vienne” làm nhiều người thắc mắc, không hiểu tại sao lại có thành Vienne ở đó? Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã hỏi và được tác giả Nguyễn Văn Đông giải thích là hình ảnh của Gina trong tâm tưởng ông đã gắn liền với nhạc bản “A beautiful Vienna” mà ông đàn nhiều lần cho nàng nghe vì nàng thích bài này …

“Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” qua sự trình bày của Hùng Cường, một trong các ca sĩ thể hiện nhạc Nguyễn Văn Đông và được thính giả mến mộ …

DaiTaNguyenvanDong150.jpgNguyễn Văn Đông nổi tiếng từ các năm 1950 khi ông là Truởng đoàn văn nghệ “Vì Dân” với thành phần ca nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Hoài Linh, Khánh Ngọc; các kịch sĩ lừng lẫy như Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê; các nghệ sĩ Trần Văn Trạch, Trang Thiên Kim ... Ông đã tổ chức và điều khiển nhiều chương trình Đại nhạc hội tại Sàigòn và khắp các tỉnh miền Nam.
Từ năm 58, Nguyễn Văn Đông là Trưởng ban “Tiếng thời gian” của Đài Phát thanh Sàigòn. Năm 59, ông là Trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua Văn nghệ toàn quốc, và từng lãnh huy chương âm nhạc quốc gia.
Song song, Nguyễn Văn Đông còn là giám đốc các hãng dĩa và băng nhạc Continental, Sơn Ca và Premier; cộng tác với các nhạc sĩ tên tuổi như Lê Văn Thiện, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Y Vân, … Chính Nguyễn Văn Đông là người tiên phong thực hiện Album riêng cho ca nhạc sĩ, như cho Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long, cho Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Giao Linh, …
“Mùa sao sáng” Giao Linh ca …
Cùng với Thanh Tuyền, Giao Linh đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hướng dẫn trên bước đường ca hát …
Trong binh nghiệp, Nguyễn Văn Đông từng được Bảo quốc huân chương, và lên tới chức Đại tá (Bộ Tổng Tham mưu). Tuy nhiên, Bộ Thông tin Sàigòn vào năm 61 đã ra quyết định cấm phát thanh các nhạc bản “Chiều mưa biên giới” “Mấy dặm sơn khê” vì lời lẽ bị coi là không thích hợp cho cuộc chiến.
“Mấy dặm sơn khê” Hà Thanh hát …
Nhân chương trình này, Thy Nga đã điện thoại đến Hà Thanh tại nơi chị định cư là Boston, Hoa Kỳ.
Thy Nga: Thưa Chị, giọng ca Hà Thanh được coi là thể hiện nhạc Nguyễn Văn Đông hay nhất, xin Chị vui lòng cho thính giả được biết là Chị đến với nhạc Nguyễn Văn Đông như thế nào?
Hà Thanh: Dạ thưa vào năm 1963, Hà Thanh vào Saigon để thâu thanh cho hãng dĩa Sóng Nhạc thì được nhạc sĩ Mạnh Phát giới thiệu, nói rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông muốn gặp Hà Thanh, nhờ Hà Thanh thâu cái bài đầu tiên là bài “Về mái nhà xưa”. Mời quý vị nghe âm thanh thâu khi đó, là vào năm 1963 ...
Thy Nga: Khi đầu tiên gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng như là suốt thời gian trình bày nhạc Nguyễn Văn Đông, Chị thấy nhạc sĩ như thế nào ạ?
Hà Thanh: Khi gặp thì Hà Thanh thấy nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là người rất hiền lành, chân thật. Phải nói là dễ thương.
Thy Nga: Tuy là quân nhân nhưng mà rất lãng mạn …
Hà Thanh: Vâng (cười …) Nguyễn Văn Đông còn có các bút danh Vì dân, Phượng Linh, Phương Hà trên một số tình khúc
“Niềm đau dĩ vãng” qua giọng hát Nhật Trường …
LinhchienNguyenvanDong150.jpg
Với bút danh Đông Phương Tử và Phượng Linh, ông đã viết nhạc nền, đồng thời đạo diễn hơn năm chục vở tuồng Cải lương tại miền Nam trước biến cố tháng Tư 1975.
Sau khi đi cải tạo 10 năm về, tình trạng của ông ra sao? nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nói: “Cái cấp bực ở chế độ cũ đó, hoàn cảnh của tôi thì đi đâu cũng có một cái sự dè chừng. Tôi thấy như vậy không được thoải mái vì vậy, tôi không muốn hoạt động nữa.”
Thy Nga: Tại sao anh không đi H.O. hay gì hả anh?
Nguyễn Văn Đông: Như thế này Chị. Khi tôi về vào đầu năm 85, tôi thuộc danh sách ưu tiên đi H.O. nhưng mà vợ chồng tôi ở lại bởi vì tình trạng sức khỏe của tôi lúc đó vô cùng suy sụp, tưởng rằng không thể qua được. Tôi cư nghĩ như vậy đó. Vợ chồng tôi xin rút hồ sơ, nghĩ rằng mình qua Mỹ cũng không sống được bao lâu, thôi để chết ở Việt Nam.
Chẳng ngờ, sau thời gian đó thì lại nhờ thuốc men của những bệnh viện của Mỹ, của Pháp qua đầu tư. Nhờ những điều kiện tiên tiến về khoa học, tôi lại được sức khỏe trở lại!
Suốt 25 năm sau ngày 30/4/75, tôi ngừng sáng tác và không tham gia bất cứ hoạt động văn nghệ nào ở trong cũng như ngoài nước. Vào năm 2003 thì khoảng 18 bài hát của tôi được Nhà nước Việt Nam cho phép lưu hành.
Thy Nga: Đó là các nhạc bản gồm cũ và mới: “Hải ngoại thương ca”, “Về mái nhà xưa”, “Khi đã yêu”, “Thầm kín”, “Nhớ một chiều Xuân”, “Niềm đau dĩ vãng”, “Cay đắng tình đời”, “Tình đầu xót xa”, “Kỷ niệm vẫn xanh”, “Truông mây”, “Núi và gió”, “Tình cố hương”, “Đồng Tháp duyên gì”, “Khúc xuân ca”, “Bông hồng cài áo”, “Bài ca hạnh phúc”, “Đom đóm”, “Vô thường” trong số hơn một trăm nhạc bản của ông.
Nguyễn Văn Đông: Những sáng tác sau này tuy được cho phép nhưng không được phổ biến rộng rãi.
Cuối năm 2003 thì cơ sở phát hành nhạc “Thiên niên kỷ” tung ra CD mang tựa đề “Hiến dâng” trong đó có 6 nhạc bản của Nguyễn Văn Đông viết về mùa Giáng Sinh là “Hiến dâng” , lời Việt bài “Ave Maria”, “Đêm thánh huy hoàng”, “Xin Chúa thấu lòng con”, “Mùa sao sáng”, và “Bóng nhỏ giáo đường”.
Trải qua cuộc đổi đời với nhiều đau thương mất mát nhưng Nguyễn Văn Đông đã dần ổn định lại đời sống, một phần nhờ lòng mộ đạo, và phần nữa là nhờ tình yêu của người vợ đã bền lòng chờ đợi những năm dài chồng đi cải tạo, và dìu đỡ ông trong bệnh tật suốt 10 năm tiếp sau đó. Nguyễn Văn Đông ghi lại ân tình ấy bằng lời ca tiếng nhạc, mời quý vị nghe bài “Người tình yêu dấu” Hồng Ngọc hát sau đây
Niềm hạnh phúc của Nguyễn Văn Đông giờ đây bình dị như thế, dù rằng có những lúc, ông không khỏi cảm thấy tiếc. “Đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm một thời gian quá dài. Đánh mất 30 năm bằng những lý do này, lý do nọ, không làm được một điều gì trong 30 năm, rất là tiếc.”
Thy Nga cũng thấy tiếc là do hoàn cảnh đất nước mà biết bao tài năng đã bị kềm chế và mai một. Âm thanh ca khúc “Vô thường” kết thúc chương trình về nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông … Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả …
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ComposerNguyenVanDongP2_TNga-20061217.html 

Aucun commentaire: